Ý nghĩa loài hoa dã quỳ – Đà lạt mùa hoa dã quỳ

Mùa này ngoài đồi cỏ hồng, hoa dã quỳ đang nở rộ thì cánh đồng hoa tím “lịm tìm sim” cũng đẹp không kém. Địa điểm này mặc dù chưa khai trương nhưng hứa hẹn sẽ là một nơi cực gây sốt với tất cả những bạn đam mê chụp ảnh sống ảo.

 

 

Ý nghĩa của loài hoa dã quỳ

 

Cây hoa Dã quỳ có những cánh hoa màu vàng tràn đấy sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thủy .Tỏ ý lòng kiêu hãnh khó khuất phục.
Ngày xửa ngày xưa, nơi buôn sóc nọ có chàng K’lang của núi rừng yêu tha thiết nàng H’limh của con suối. Ngày ngày chàng K’lang vào rừng săn bắt thú rừng còn nàng khéo léo dệt tấm chăn kiệu chồng (vì theo tục lệ của bộ tộc nàng con gái trước khi lấy chồng phải dệt một tấm chăn thật đẹp để mang về nhà chồng). Rồi tối tối họ lại quây quần đốt lửa và múa hát cùng dân làng trong buôn. Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc của họ cứ trôi đi.

Đến một ngày kia khi H’limh chờ hoài đến tối mà vẫn không thấy K’lang đi săn về, nàng lo lắng từ buôn sóc nàng đi tìm K’lang. Nàng cứ đi, đi mãi đi hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi rồi mà không thấy người yêu của mình đâu cả. Mệt quá nàng ngủ thiếp đi trong giấc mơ nàng thấy K’lang gọi nàng và bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó.

Nàng giật mình rồi đi tiếp đến cuối nguồn nàng nhìn thấy K’lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt. Nàng chạy lại ôm lấy chàng mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Mặc cho bao nhiêu đau đớn nàng vẫn quyết bảo vệ cho người yêu cho tới khi nàng bị trúng mũi tên độc cuối cùng của chàng La rihn con trai tộc trưởng Lasiêng. Vì quá hờn ghen với tình yêu của H’limh dành cho K’lang chàng đã buông lơi mũi tên hận tình. Chàng cũng không ngờ người lãnh trọn mũi tên ngiệt ngã ấy lại là H’limh – người con gái mà chàng ngày đêm thương thầm trộm nhớ mà không được đáp lại tình cảm.

Từ đó cứ mỗi độ tháng mười nơi nàng H’limh chết lại nở ra một loài hoa có màu vàng rực. Người ta thường gọi là hoa Dã Quỳ. Cây hoa Dã quỳ rất dễ mọc và mọc rất nhanh những cánh hoa màu vàng tràn đấy sức sống mãnh liệt như tình yêu

Chuyến xe cuối năm chở chúng tôi ngược về cao nguyên Lâm Đồng càng thêm thú vị khi có sự góp mặt của một cô gái trẻ người dân tộc Chil với vai trò hướng dẫn viên. Thiếu nữ vùng sơn cước mang cái tên thật ấn tượng: Sao Hương.

Xe lên đến đỉnh đèo, đất trời như vỡ òa. Gió lộng tứ bề còn không gian thì như đặc lại. Những tảng mây trắng đục thấp hơn cả núi, giống như những túi bông khổng lồ ai đó vừa ném từ trên trời xuống. Hai tai tôi chỉ còn nghe tiếng âm u. Sao Hương kéo chiếc khăn len trùm kín đầu rồi quay sang tôi:
– Mùa này sương và mây như quyện vào nhau nên đi đường đèo vất vả lắm. Mọi cảnh vật đều chìm trong mây, chỉ có hoa dã quỳ…

Sao Hương buông lửng câu nói. Tôi nhoài người nhìn theo hướng tay cô chỉ. Dọc hai bên đường, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm cheo leo, dã quỳ mọc ken dày, rực lên mầu vàng trải dài như bất tận. Hành trình trong sương mù dày đặc, hoa dã quỳ trở thành hoa tiêu báo hiệu an toàn cho những chuyến xe trên đường đèo. Đã từng lên Tây Nguyên nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến loài hoa nở trong mây mù giá rét. Ở nơi đèo mây hút gió, khó có loài cây nào có thể cho hoa nhiều và sống dẻo dai đến thế. Có rất nhiều truyền thuyết và giai thoại về loài hoa chỉ duy nhất có ở vùng cao Tây Nguyên. Ngoài tên gọi dã quỳ, loài hoa này còn được gọi là hoa sơn cúc, hoa cúc quỳ hoặc hoa quỳ. Với các văn nghệ sĩ, dã quỳ là cái tên đẹp nhất, nó mang ý nghĩa về vẻ đẹp vừa quý phái, vừa mạnh mẽ lại vừa hoang dã của miền núi rừng Tây Nguyên…

Truyền thuyết được các già làng kể rằng, thuở ấy trời làm hạn hán gay gắt, vạn vật héo khô. Tại một buôn làng nọ, có một chàng trai sức khỏe như voi, cái nghĩ trong như nước suối, cái bụng thẳng như cây rừng, vì thương dân làng nên quyết ra đi tìm nguồn nước. Chàng từ biệt người yêu bên bờ một con suối cạn rồi cứ nhằm những ngọn núi sương mù bao phủ phía dãy Thiên Đường mà đi, hy vọng nơi có sương mù sẽ là nơi có nước. Đã bao mùa trăng đi qua, cô gái ra ngồi bên bờ suối cạn ngóng tin người yêu, nhưng đáp lại chỉ có tiếng hú của đại ngàn. Rồi một ngày nọ cô cũng theo hướng người yêu ra đi, vượt núi băng đèo đi tìm chàng. Ngày qua ngày, vượt qua bao ghềnh thác, đến được những ngọn núi trên dãy Thiên Đường thì cô kiệt sức. Nơi cô gái nằm xuống mọc lên loài cây lạ, trổ hoa vàng rực. Người đời sau gọi là hoa dã quỳ. Hoa dã quỳ tượng trưng cho ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh, sức sống mãnh liệt, tình yêu thủy chung son sắt… của con người cao nguyên. Bởi thế dã quỳ chỉ có ở những vùng núi cao, nơi mây bay thấp hơn đỉnh đèo…

Núi Thiên Đường bây giờ đã có con đường đèo xuyên qua mây, rực mầu dã quỳ thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Dưới chân đèo là những ngôi làng mới của đồng bào các dân tộc thiểu số, gồm người Chil, Mơ Nông, K’Ho… của ba xã: Đạ Chair, Đa Nhim, Đạ Sar. Đạ Chair là vùng căn cứ kháng chiến cũ, được phong tặng danh hiệu xã Anh hùng LLVT nhân dân.

Vít cong cần trúc ché rượu cần trong căn nhà mới, Già làng Đa Kreing kể cho tôi nghe: Suốt từ thời kháng Pháp cho đến chống đế quốc Mỹ, vùng sơn cước này được mệnh danh là ‘đất thiêng’, giặc chỉ có đường vào chứ không có đường ra. Trung tâm căn cứ kháng chiến ở Đạ Chair là Klong Klăn. Ngày xưa, muốn vào được Klong Klăn phải mất mấy ngày vừa cưỡi ngựa vừa cuốc bộ. Nay, với khoảng cách hơn 150 km từ Đà Lạt, đường vào Klong Klăn đã có thể thoải mái cho ‘xe ta bon bon’. Theo truyền thuyết Klong Klăn xưa kia vốn là nơi ẩn náu của con trăn tinh hung dữ (Klong nghĩa là con trăn, Klăn là hồ nước). Sự án ngữ của trăn tinh đã làm dòng sông Đa Nhim không chảy được, khiến dân làng phía hạ nguồn khô khát. Chàng trai trong truyền thuyết ấy khi tìm được nguồn nước, đã chiến đấu với trăn tinh, nhưng sức người không thể đối chọi được với yêu quái, nên chàng đã vĩnh viễn nằm lại phía thượng nguồn hun hút gió mây…
Hóa ra khát vọng chinh phục dòng Đa Nhim đem nguồn nước về cho các buôn làng đã hình thành trong ý niệm dân gian từ buổi khai thiên lập địa. Cái khó và cũng là cái khổ xưa nay của người dân là thiếu nước, nhất là vào mùa khô. Vùng đất đỏ ba – zan vào mùa hạn, trăm loài cỏ cây khô cháy, duy chỉ có dã quỳ vẫn bền bỉ trổ hoa. Sắc vàng óng ả như bung ra từ bản năng sức sống tiềm tàng. Chàng trai, cô gái – tượng trưng cho ước nguyện của con người cao nguyên thuở ấy, không thể khuất phục được thiên nhiên, nhưng hôm nay, khát vọng ấy đã trở thành hiện thực. Dòng Đa Nhim không chỉ cung cấp nguồn nước ngọt mát mà còn là công trình thủy điện đưa ánh sáng công nghiệp về thắp sáng những buôn làng. Già làng Đa Kreing khoe với tôi: Sắp có thêm công trình thủy điện Đa Khai. Cái làng mới này là nơi tái định cư của dân làng trong dự án thủy điện…

Sao Hương lấy tay che miệng cố giấu nụ cười tinh nghịch, nhưng không che nổi hai cái lúm đồng tiền duyên đến là duyên khi kể về chuyện cũ. Chuyện là cái ngày chưa có con đường nhựa này, chưa có thứ đèn dài, không cần dầu vẫn sáng trắng này… đàn bà, con gái vùng cao quanh năm để ngực trần. Cả làng ai cũng thế, nên cái mà mấy ông nhà thơ người Kinh gọi là ‘Tòa thiên nhiên’, ở đây cứ như củ sắn, cái bắp trên rẫy vậy thôi. Bây giờ không như thế nữa rồi. Cái gùi vẫn ở trên lưng, cái váy thổ cẩm vẫn như thuở trước, nhưng đàn bà con gái xứ cao nguyên bây giờ cũng chẳng khác gì phụ nữ người Kinh. Sự đổi thay ấy kéo theo muôn vàn đổi thay khác. Buôn làng bây giờ nhà ai cũng tường xây, mái tôn. Nhà rông, nhà sàn dần vắng bóng. Những con người dưới chân núi Thiên Đường vốn chỉ quen cầm cung, cầm nỏ đi săn con hươu, con nai, giờ đã có nhiều người vào đại học. Ví như Sao Hương, nếu ngày trước, cái tuổi cô bây giờ đã phải bắt một chàng trai nào đó về ở rể lâu rồi. Nhưng Sao Hương thích đi học để đem tri thức về phục vụ quê hương.

Một trong những người nổi tiếng nhất vùng sơn cước, được mệnh danh ‘nhà khoa học chân đất’ là Kơsa Ha Tang. Anh là người sáng chế máy tuốt ngô trên cơ sở cải tiến nguyên lý hoạt động của máy tuốt lúa. Sản phẩm của anh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen và được tham dự Hội chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Người dân ở các buôn làng dẫu chưa có nhiều người như Ha Tang, nhưng đa phần cuộc sống của họ đã thoát khỏi đói nghèo…
Chúng tôi leo lên triền núi nhìn về những ngôi làng mới thấp thoáng sau sắc hoa dã quỳ. Phiên chợ cuối năm để sắm Tết nơi lưng chừng đèo dốc tấp nập kẻ bán người mua. Xe máy từng hàng nối nhau lượn trên đường như thoi đưa. Đó là hình ảnh của một lớp trẻ buôn làng thời hội nhập. Nếu không có những chiếc gùi lẫn trong sắc mầu thổ cẩm, rất khó để nhận ra sự khác biệt giữa phiên chợ vùng cao Tây Nguyên với những nơi khác.

Qua trăm ngàn mùa hoa, cuộc sống người dân dưới chân núi Thiên Đường dù đã đổi mới hoàn toàn, nhưng chiếc gùi ấy, mầu thổ cẩm ấy và nhất là sắc hoa dã quỳ rực rỡ trên những cung đường đèo hút gió… mãi mãi mang vẻ đẹp và ý nghĩa như một thông điệp vĩnh hằng của vùng ‘đất thiêng’, mà không phải nơi nào cũng có được…

Vừa rồi tôi có được một chuyến đi tràn đầy ý nghĩa, sau một thời gian học tập mệt mỏi, tôi đã và nhóm bạn cùng đoàn cứu trợ Thiện Tâm thuộc hội chữ thập đỏ Quận Bình Thạnh đã tổ chức một chuyến đi cứu trợ bà con nghèo ở các huyện Đức Trọng, Di Linh tỉnh Lâm Đồng đúng vào dịp lễ Noel. Dẫu chưa đến được Đà Lạt nhưng tôi đã biết được Đà Lạt qua sách, báo, tivi nơi được mệnh danh là thiên đường của vạn loài hoa tuyệt đẹp, nhưng có lẽ du khách không thể nào quên được mỗi khi đặt chân đến xứ Đà Lạt, Lâm Đồng mà không bắt gặp được một loài hoa với cái tên vừa lạ lại vừa kì, đó chính là hoa Dã Quỳ hay còn gọi là hoa dại, nó mọc khắp nơi ở ven đường trên núi, dưới đồi nơi nào cũng khoe sắc vàng rực rỡ. Nếu như ai chưa từng thấy nó thế nào cũng nghĩ rằng nó xấu xí và không hương sắc như những loài hoa khác, vì Dã Quỳ nói láy lại là “Quỹ Dà” mà mọi người hay nói đùa với nhau, nhưng thật sự nó khác hẳn hoàn toàn với ý nghĩ của mọi người bởi nét đẹp lạ lùng và duyên dáng của một loài hoa dại này, nó có sức quyến rũ người ta đến lạ kỳ như đúng với cái tên Dã Quỳ. Hoa Dã Quỳ cũng giống như cái tên của người con gái nơi thôn dã, núi rừng không sắc không hương nhưng lại dịu dàng duyên dáng không đua hương sắm phấn như Ti gôn,Mẫu Đơn hay Hồng Nhung…

Dã Quỳ thật sự làm tôi say đắm đến tột cùng, nếu như có ai đó hái một đóa Dã Quỳ đến tặng cho bạn, bạn đừng cho rằng người ấy chê bạn hay nói bạn là “Quỹ Dà”, mà Dã Quỳ là một loài hoa rất đẹp, một loài hoa dại thủy chung sắc son như một người con gái của núi rừng bát ngát, hùng vĩ mãi vươn lên sừng sửng giữa gió mưa giá rét trong bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông. Dã Quỳ nở suốt năm, luôn tươi thắm nụ cười như chào đón du khách đến với đất Lâm Đồng Đà Lạt để chiêm ngưỡng xứ sở ngàn hoa đua nở và trong đó không bao giờ thiếu Dã Quỳ. Một chuyến đi thật là ý nghĩa, giúp tôi hiểu được nỗi khó khăn của những con người, những đứa trẻ vùng cao chưa từng được biết Ông già Noel là như thế nào? Và những khó khăn thiếu thốn mọi thứ so với trẻ em dưới miền xuôi, các em rất cần, cần lắm những vòng tay nhân ái giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm như Chú Hoàng, cô Lan Chi… Và tôi đã hiểu được tại sao Dã Quỳ lại chọn đất Lâm Đồng, Đà Lạt mà không chọn một nơi nào khác, bởi nơi đây Dã Quỳ đã sống và chứng kiến cùng với mọi người dân vượt qua bao nỗi khổ cực của cuộc sống vốn dĩ đã cơ cực này.

Nhỏ lặng người đứng nơi góc đồi nhìn xuống trũng xa thẳm chỉ với một màu vàng rực. Đó là nơi mà nhỏ gọi là “thung lũng dã quỳ”. Với nhỏ nơi đây chẳng khác gì “thung lũng tình yêu” của Đà Lạt mộng mơ. Nó đã gắn bó với bao kỉ niệm, bao lưu luyến thời sinh viên, là nơi khởi đầu một tình yêu và cũng là một phần cuộc sống của nhỏ. Giờ nhỏ mới hiểu tại sao nơi đây lại trở nên thơ mộng đến thế. Cái cảm giác đó có phải do cảm xúc của một tâm trạng đang yêu không nhỉ? Nhỏ cũng không biết nữa.

Nhỏ khẽ rùng mình. Bây giờ đã là mùa đông. Cái gió lạnh ở Tây Nguyên tuy không ghê gớm như gió mùa miền Bắc nhưng cũng đủ làm cho nhỏ cảm thấy ớn lạnh. Tự dưng nhỏ cảm thấy mình cô đơn và trơ trọi quá. Những cánh dã quỳ khẽ khàng rung trong gió. Thỉnh thoảng những cơn gió lạnh lại làm cho cánh hoa lật úp lại trông có vẻ ủ rũ nhưng chẳng mấy chốc hoa sẽ lấy lại ngay sức sống của mình. Nhỏ nhớ đến anh. Lần đầu tiên nhỏ gặp anh cũng tại chỗ này.

Ngày đầu đến đây với biết bao bỡ ngỡ. Nhỏ như lạc vào một thế giới mới lạ, khác hẳn với những gì trong trí tưởng tượng của nhỏ về mảnh đất bazan này. Nhỏ lang thang trên những con đường đất đỏ trải dài, vàng rực một màu hoa. Nhỏ gặp anh ở đó. Anh có vẻ hơi khác người một chút. Có lẽ là do cảm nhận lúc ban đầu của nhỏ về vẻ bề ngoài của anh.

Anh ngồi trên một chiếc xe ba bánh. Bên cạnh anh là một đôi nạng đã khá cũ nhưng hình như đối với anh nó lại rất mới – mới với nhiều kí ức và kỉ niệm. Nhỏ nghĩ vậy. Mà không hiểu sao nhỏ lại nghĩ thế. Tò mò, nhỏ đến bắt chuyện làm quen.

-Anh đang vẽ tranh à? Cảnh ở đây khá đẹp nhưng nếu không có loài hoa màu vàng này thì dãy đồi kia sẽ chẳng thu hút được ánh nhìn – Giọng nhỏ có vẻ kiêu sa.

-Là dã quỳ đó – Anh nhẹ nhàng đáp, tay vẫn không ngừng vẽ. Anh không nhìn nhỏ mà sao nhỏ lại cảm thấy tức tối vì điều này nhỉ? Phải chăng anh là kẻ không biết mình biết ta. Khinh người đến thế sao?
-Đó chỉ là một loài hoa dại thôi mà – Nhỏ như khiêu khích.

Bây giờ anh mới ngừng bút, ngước lên nhìn nhỏ. Khuôn mặt trái xoan nhỏ nhắn, mái tóc ngắn ngang vai. Thoáng nhìn đã thấy toát lên một vẻ đẹp thánh thiện. Anh lờ đi.

-Có lẽ đối với ai đó và mọi người thì đấy chỉ là loài hoa dại thôi nhưng với tôi thì không. Với mỗi người mỗi loài hoa đều có ý nghĩa riêng của nó. Dã quỳ gắn bó với tôi và cũng là một thế giới riêng của tôi. Dĩ nhiên cô không thích nó vì cho rằng đó là một loài hoa dại. Nó làm sao có thể sánh với những loài hoa quyền quý cao sang khác.

Nhỏ cảm thấy buồn phải chăng chỉ vì một loài hoa mà nhỏ đã chạm đến một chút gì đó rất riêng tư của anh. Nhỏ thấy tò mò vì ý nghĩa của loài hoa dại này. Giọng nhỏ dịu hẳn:

-Thật ra dã quỳ cũng giống một loài hoa tôi thích. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một loài hoa khác giống nó đến vậy. Tuy không đầy vẻ cao sang nhưng dã quỳ cũng mang một vẻ đẹp hoang dã, thánh thiện. Mềm mại nhưng cũng rất mạnh mẽ.

-Cô thích Hướng Dương đúng không? Cô là sinh viên mới?

-Sao anh biết?

Nhỏ tò mò:

-Thế ý nghĩa của dã quỳ là gì?

-Với tôi dã quỳ là mặt trời. Bây giờ là mùa dã quỳ đang nở rộ đấy.Tuy chỉ là một loài hoa dại nhưng nó lại có sức sống mãnh liệt. Dù mưa hay nắng, lạnh hay nóng dã quỳ vẫn sống vẫn vươn lên, vượt qua mọi sự khắc nghiệt của thời tiết để tồn tại và phát triển.

-Giống như anh à? – tự dưng nhỏ lại có cái ý nghĩ anh giống như dã quỳ.

Anh im lặng không nói gì ngoài một câu hỏi cụt ngũn cắt ngang sự tò mò của nhỏ:

– Sao cô lại nghĩ thế?

Nhỏ thấy anh là người kiêu kỳ. Mà không, thật ra anh là người có vẻ bí ẩn, khó gần gũi. Nội tâm của anh có một cái gì đấy… nhỏ không sao tả nỗi nhưng nhỏ thích thế và nhất định nhỏ sẽ khám phá con người anh.

Thật bất ngờ khi anh là sinh viên ưu tú trường nhỏ học. Anh trong trí tưởng tượng của nhỏ khác hẳn với những gì nhỏ được biết về anh ở trường. Anh sống hoà đồng với mọi người, luôn giúp đỡ họ trong khó khăn. Có lẽ anh sống vì mọi người nhiều hơn là cho chính mình. Nhỏ được biết qua hoàn cảnh của anh lại càng cảm động hơn. Ba anh là thương binh bị nhiễm chất độc màu da cam. Anh mang trong mình một di chứng của chiến tranh, nỗi đau khổ của một cuộc hôn nhân bị đỗ vỡ. Vào một ngày dã quỳ chìm ngập trong những cơn mưa xối xã má đã rời xa hai cha con anh chỉ vì không muốn cuộc đời mình mãi lẫn quẩn bên hai người đàn ông bị tàn tật. Ngày đó anh còn nhỏ nhưng phần nào cũng ý thức được sự ra đi của má. Ba anh im lặng chẳng nói gì chỉ ngậm ngùi lau những giọt nước mắt mặc cho má ra đi. Có lẽ đó là những giọt nước mắt cuối cùng chứa đựng sự đau đớn của con tim. Ba động viên anh: “thôi đừng buồn, má đi cũng có cái lý của má. Ba sẽ cố gắng lo cho con thành người. Khổ cực thế nào thì giờ cũng chỉ còn có hai cha con mình thôi.”

-Anh hiểu và không oán trách má. Anh chỉ thấy buồn và thương ba thôi. Ba yêu má lắm nhưng không muốn làm má khổ nên đã để má đi.

Nhỏ cảm động không kìm được nước mắt. Chưa bao giờ nhỏ cảm thấy anh gần gũi đến thế. Giờ thì nhỏ đã hiểu tại sao anh lại thích Dã quỳ.

Năm năm, kể từ ngày má rời xa anh, ba anh lâm bệnh nặng. Anh lo chạy vạy thuốc thang. Số tiền ít ỏi anh kiếm được từ những bức tranh không đủ để giữ lại một niềm hạnh phúc, động viên, an ủi cuối cùng cho anh. Ba mất, chỉ còn mình anh đơn độc giữa cuộc đời- lẻ loi như dã quỳ giữa trận mưa rào tầm tã. Từ ngày ba ra đi anh cũng đã biết trước được cái kết của cuộc đời mình. Nó có thể đến bất cứ lúc nào. Thời gian của anh còn rất ngắn nên anh cố sống cho thật tốt để phần đời ít ỏi của mình không vô nghĩa.

Phải chăng đó cũng chính là lí do mà anh không yêu ai? Nhỏ không rõ lắm nhưng hình như nhỏ đã động lòng trước anh. Nhỏ phải làm sao để anh hiểu được tình cảm của nhỏ?

Một chiều, sau khi nhận bằng tốt nghiệp nhỏ đến tìm anh để báo cho anh biết nhỏ sẽ ở lại mảnh đất này với anh, với dã quỳ. Vừa bước tới cửa nhỏ tình cờ nghe đựơc câu chuyện giữa anh và một người bạn.

-Mình biết mọi người luôn lo lắng, ủng hộ mình nhưng tình yêu của cô ấy trong sáng quá, thánh thiện quá. Mình không muốn chính mình làm tắt đi nụ cười ngọt ngào trên đôi môi cô ấy. Mình không muốn đôi mắt ngời sáng ấy phải ngấn lệ vì mình. Mình muốn yêu, được yêu lắm chứ nhưng mình không muốn vì sự ích kỉ của mình mà huỷ hoại đi tương lai tốt đẹp của cô ấy. Cô ấy xứng đáng được sống một cuộc sống hạnh phúc, ở bên cạnh một người hơn hẳn mình. Cô ấy đẹp lộng lẫy như một đoá hướng dương. Hướng dương thì phải về bên mặt trời. Mình chỉ là một bông dã quỳ cô độc có thể héo úa bất cứ lúc nào khi nó rời cành. Mình không thể đem lại hạnh phúc cho cô ấy được.

Giờ thì nhỏ đã hiểu tất cả rồi. Nhỏ hiểu anh cũng thích nhỏ nhưng vì sự mặc cảm của bản thân, vì hoàn cảnh mà anh không dám ngỏ lời với nhỏ. Nhỏ không giận anh. Nếu anh không nói ra thì nhỏ sẽ nói. Nói rằng nhỏ yêu con người lương thiện, vì tấm lòng rộng mở của anh chứ không phải đó đơn thuần chỉ là sự đồng cảm hay lòng thương hại. Anh mới chính là mặt trời của nhỏ. Nhưng khi nhỏ đẩy cửa bước vào thì anh lại hỏi nhỏ:

-Em đến đúng lúc quá! Đoạn hội thoại vừa rồi là kịch bản tụi anh định diễn trong đêm văn nghệ trường. Em… thấy thế nào?

Trên tay anh cầm tập giấy. Nhỏ như qụy xuống, tim tan nát. Nhỏ không kịp xem mà cũng chẳng muốn xem. Nhỏ vụt chạy ra ngoài mà đâu biết rằng anh cũng đang rơi lệ bởi những lời nói đó. Anh lại không thể đuổi theo nhỏ.

Buổi chiều hôm ấy mưa tầm tã, giăng giăng trên những dãy đồi đầy hoa dã quỳ. Nhỏ ở phòng trọ đang thu dọn đồ đạc, bất chợt nhớ đến những gì anh đã từng nói với nhỏ, những gì nhỏ được nghe về anh, không nghĩ gì thêm nữa nhỏ vội chạy ngay đến nhà anh. Anh định đến tìm nhỏ thì thấy nhỏ đang đứng che mưa cho một khóm dã quỳ vừa mới nở ở trước ngỏ.

-Vào nhà đi em. Mưa ướt sẽ bị cảm đấy.

-Em sợ dã quỳ bị ướt cũng giống như em sợ làm anh bị tổn thương – Nhỏ nũng nịu. Chưa bao giờ anh thấy nhỏ yếu đuối đến vậy. Như một đoá dã quỳ bị vùi trong mưa nhỏ gục đầu vào vai anh.

-Ngốc ạ! Vào nhà thôi!

Anh hiểu. Anh hiểu những gì nhỏ đang dành cho anh nhưng anh không có quyền được yêu. Chính anh mới là người làm cho nhỏ bị tổn thương. Một người như anh làm sao có thể đem lại hạnh phúc cho nhỏ. Tình yêu đâu phải chỉ là mộng tưởng.

-Anh không muốn một lần nữa sẽ lại nhìn thấy cái cảnh má xách vali rời xa ba. Anh không muốn mình lại giống như ba đau đớn nhìn người mình thương yêu rời xa mình. Nếu đó là sự giải thoát thì thà rằng đừng bắt đầu để không phải chịu một cái kết như vậy. Em hãy cứ đi và làm theo những gì mà em thích, những gì mà em nghĩ.

Nhỏ đi thật. Nhỏ đã rời xa anh nhưng không phải là sự phản bội, sự tự ái hay tự kiêu của bản thân mà vì nhỏ yêu anh. Nhỏ đang trốn chạy hay đang đối diện với tình cảm của anh, của chính nhỏ? Nhỏ không biết. Cả anh cũng vậy.

Dã quỳ còn chịu nổi mùa gió chẳng lẽ tình yêu của nhỏ mong manh, dễ vỡ chỉ giống như những giọt sương đêm? Nhỏ muốn những giọt sương ấy dù nhỏ nhoi, yếu ớt cũng phải được đón ánh bình minh, thoát khỏi bóng tối bao trùm. Nhỏ co người lại vì cơn gió thổi qua, vì kỉ niệm ùa về trong nhỏ. Nhỏ đã rời xa nơi đây một năm rồi. Vẫn mùa đông với những cơn gió, vẫn loài hoa khẽ rung theo từng đợt gió hiu hắt với cái tên rất đỗi dịu dàng – dã quỳ. Nhỏ nhìn thấy nơi xa xăm ấy có bóng dáng ai đang vẽ tranh và nhỏ biết anh sẽ vẫn đợi nhỏ. Mãi mãi như dã quỳ qua bao mùa đông vẫn nở.

Nguồn sưu tầm

 

Hoa Đà Lạt Giá Sỉ

https://hoadalatgiasi.vn/
Cung cấp hoa cúc đà lạt giá sỉ tại vườn các loại như : Hoa cúc lưới – Hoa cúc chùm – Hoa cúc chùm at – hoa cúc lưới bi – Hoa cúc calimero – Hoa cúc mai cam – Hoa hồng – Hoa cẩm chướng – Hoa cát tường – Hoa ly – Hoa đồng tiền … và các loại hoa đà lạt khác khác .
Hotline : 0972 92 52 92

Đặc Sản Đà Lạt 49

https://dacsandalat49.vn/
Chuyên sâm nấm linh chi rừng đà lạt hàng tự nhiên 100% các loại như : nấm lim xanh , nấm hồng chi , đảng sâm , huyết sâm , đông trùng hạ thảo , lan gấm , hạt chuối rừng … và các loại đặc sản đà lạt khác .
Hotline : 0972 92 52 92

Nhà Đất Đà Lạt
https://nhadatdalat.net.vn/
Trang tin tức mua bán nhà đất tại đà lạt miễn phi tốt nhất , nhận tìm kiếm nhà đất phường 11 đà lạt theo yêu cầu .
Nhận ký gữi nhà đất phường 11 đà lạt miễn phí 100%
Hotline : 09 7750 7751

Facebook fan page :
https://www.facebook.com/hoadalatgiasi.vn
https://www.facebook.com/hoacucdalatgiasi
Gmap: https://goo.gl/maps/x6yut3Q5ustVnJwh8
Youtube : https://www.youtube.com/channel/UCvJmKbzhjwodN5Eh9JllSmQ?view_as=subscriber

 

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255